Site icon MB66

Chào tuần mới: Cùng chờ “Tết độc lập”

Chào tuần mới: Cùng chờ "Tết độc lập" - Ảnh 1.

Chúng ta đã bước sang một tuần lễ vốn được cộng đồng trông đợi từ nhiều ngày qua: Đúng vào cuối tuần, kỳ nghỉ lễ 2/9 sẽ bắt đầu.

Và ngay từ bây giờ, cùng với từ “Quốc khánh”, khái niệm “Tết Độc lập” cũng đang thường xuyên được nhắc tới – khi ta có thể gặp 3 chữ ấy ở nhiều nơi, trên mạng, trên mặt báo cũng như ở các siêu thị, dịch vụ du lịch… đang quảng bá sản phẩm cho kỳ nghỉ…

… Thực tế, như nhiều người biết, bên cạnh ngày Tết truyền thống, đồng bào nhiều dân tộc vùng cao phía Bắc vẫn có một cái “Tết Độc lập” để chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9.

 Đa phần, những ngày “Tết độc lập” này ra đời từ sau năm 1945,  và thường được tổ chức từ khoảng 1 – 2 ngày trước ngày 2/9. Để rồi vào “chính Tết” trong ngày Quốc khánh, mọi công việc của những người dân vùng cao ấy được gác lại, để dành trọn thời gian cho sự quây quần quanh mâm cỗ vui Tết Độc lập, cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc bản địa.

Chẳng vậy mà nhiều năm gần đây, khi kỳ nghỉ 2/9 được kéo dài, nhiều du khách từ Hà Nội vẫn rủ nhau lên Mộc Châu (Sơn La) hoặc Quỳ Hợp (Nghệ An) để trải nghiệp đón “Tết Độc lập” của vùng cao. Rồi tương tự, vào dịp này, Làng Văn hoá, Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô cũng thường xuyên có chương trình “Tết Độc lập” với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Thái…

Nhưng, người viết đang muốn nhắc tới một cái “Tết Độc lập” rộng hơn – khi mà trong quá khứ, từ giai đoạn 1945, các tư liệu để lại cho thấy ngày lễ Quốc khánh 2/9 với cộng đồng cũng thường xuyên được gắn với khái niệm này. Không có “ăn Tết” theo nghĩa đen, nhưng không khí “Tết” ở ngày mang ý nghĩa lịch sử ấy vẫn luôn đủ khiến người ta hân hoan và háo hức.

***

Như phân tích của nhà sử học Dương Trung Quốc, khái niệm này đến từ cách gọi của người xưa, với chữ “Tết” là biến âm của chữ “tiết”  – nói về những thời điểm lặp lại trong tiến trình vận hành thời gian mỗi năm, mang ý nghĩa lớn với đời sống văn hóa hay tín ngưỡng của dân gian.

Và, người Việt Nam gọi ngày Độc lập 2/9/1945, cũng như ngày lễ Quốc khánh hàng năm, bằng “Tết Độc lập” bởi muốn nhìn sự kiện ấy như cột mốc mở ra những điều tốt đẹp cho dân tộc, cũng như những thay đổi lớn không chỉ với đất nước mà cả với mỗi người.

Vào mạng dịp này, đọc hồi ức của những người cao tuổi, chúng ta vẫn sẽ bắt gặp niềm vui được đón “Tết Độc lập” từ vài chục năm trước, khi cộng đồng cùng nhìn ngắm những dãy phố đỏ rực cờ và băng rôn chào mừng ngày Quốc khánh trên mọi con đường. Niềm vui ấy, khiến họ cảm nhận rõ niềm tự hào từ tâm thức, trong một ngày thiêng liêng, trọng đại của đất nước mình.

Còn bây giờ, trong những ngày thường, khái niệm “Tết Độc lập” ít được sử dụng hơn so với cụm từ “ngày Quốc khánh”. Và dịp nghỉ lễ 2/9 được kéo dài cũng thường được nhìn nhận như một kỳ nghỉ lễ giàu ý nghĩa để cộng đồng thư giãn và tái tạo năng lượng, trước khi đi qua tiếp 4 tháng cuối năm.

Nhưng, khi mà cụm từ “Tết Độc lập” được nhắc lại vào dịp này, có lẽ cũng rất ý nghĩa nếu trong một kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày như năm nay, chúng ta hãy để ra những khoảnh khắc cách biệt khỏi nhịp sống hối hả thường ngày và cùng chiêm nghiệm, bằng chính tình cảm và tư duy của mình, về giá trị thiêng liêng của ba chữ ấy.

Giống như nhiều nhà sử học từng khẳng định: Ở quốc gia nào cũng vậy, cảm xúc đầu tiên nên có trong ngày lễ Quốc khánh phải là việc nhìn lại chặng đường đã qua, cũng như những dấu ấn mà lịch sử lưu lại cho hiện tại….

Exit mobile version